Tin tức

Chăm sóc cà phê có mưa trái mùa tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Ngày 22/2/2017, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã ban hành Công văn số
186/TT-CNN về việc chăm sóc cà phê có mưa trái mùa tại Đông Nam Bộ và Tây
Nguyên. Công văn nêu rõ:
Để chủ động đối phó, khắc phục những ảnh hưởng do thời tiết bất thuận, Cục Trồng
trọt phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật NLN Tây Nguyên đề nghị Sở Nông nghiệp
và PTNT các tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số biện pháp trước mắt như sau:
1. Đối với các vườn cà phê vẫn còn xanh tốt, chưa phân hóa mầm hoa đầy đủ, cần tiếp
tục theo dõi, đến khi cây phân hóa mầm hoa đầy đủ, tiến hành tưới nước. Không nên
tưới khi cây cà phê chưa phân hóa mầm hoa đầy đủ.
2. Đối với vườn cà phê đã phân hóa mầm hoa đầy đủ (hoa dài 1 - 1,2 cm, có màu trắng
sữa), cây có biểu hiện héo thì tiến hành tưới nước đủ lượng (400 - 500 m3/ha) (tưới dí),
nếu tưới tiết kiệm là 300 - 350 m3/ha) giúp cây nở hoa đồng loạt.
Vào giai đoạn cây cà phê đang nở hoa, không nên sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và
phân bón lá phun cho cây, để không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây,
dẫn đến giảm năng suất cà phê sau này.
Sau khi hoa nở, thụ phấn khoảng 15 - 20 ngày cần tưới lại lần tiếp theo. Có thể sử
dụng một số loại phân bón cho mùa khô hoặc urê hoặc SA để bón cho cây vào giai
đoạn này, giúp cây cà phê tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất
thuận.
Tiếp tục tưới cho vườn cà phê lần tiếp theo sau khoảng 30 - 35 ngày (nếu thời tiết khô
hạn).
3. Lưu ý, cần kiểm tra tình hình rệp sáp hại quả vào giai đoạn mùa khô để có biện pháp
phòng trừ hữu hiệu, hạn chế được tác hại do rệp gây ra (làm rụng quả, khô cành).
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sản xuất cà phê bền vững; quan
tâm hướng dẫn mở rộng áp dụng quy trình tưới nước tiết kiệm và nông lâm kết hợp
trong sản xuất cà phê góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê trong điều kiện biến
đổi khí hậu; Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh tại Tây Nguyên và Đông Nam
bộ tổ chức hướng dẫn thực hiện và báo cáo kịp thời về Cục Trồng trọt để theo dõi và
chỉ đạo chung.