Tin tức

Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

Thời gian qua, ngành chăn nuôi liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn về thiên tai, bệnh dịch, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và giá đầu ra của sản phẩm thấp. Bên cạnh đó, với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành chăn nuôi còn chịu thêm khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng này, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phải có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.

 

Hiện nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang phát triển ổn định; toàn tỉnh có 190 nghìn con trâu, 260 nghìn con bò, 1,1 triệu con lợn và 22 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, thời gian qua, mức tiêu thụ sản phẩm thịt trâu, bò đang có xu hướng giảm; số lượng trâu, bò xuất bán ra mỗi tháng chỉ khoảng từ 200 đến 300 con. Bên cạnh đó, đàn gia cầm cũng đang gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng trung bình khoảng 30% so với trước đây do nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải phụ thuộc tới 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nên khâu kiểm soát khắt khe, thậm chí có thời điểm phải tạm dừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng trung bình 200 - 300% do thiếu tàu vận tải biển và containe. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc hạn chế đi lại do thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương cũng khiến cho lượng tiêu thụ các sản phẩm từ lợn, gà giảm mạnh; lợn quá lứa xuất bán tại các trang trại còn nhiều; nếu như trước đây, lợn đạt từ 100 đến 110kg được xuất chuồng thì đến thời điểm hiện tại, nhiều trang trại lợn đã đạt từ 130 - 140kg trở lên mà vẫn chưa được xuất bán; các sản phẩm từ thịt lợn cũng gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nên không xuất khẩu được sang thị trường Hồng Kông, Singapore,...

Trang trại chăn nuôi gà tại xã Yên Tâm (Yên Định).

Đứng trước những khó khăn này, nhiều trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh phải hoạt động cầm chừng, liên tục bù lỗ, giảm số lượng đàn; thậm chí, buộc phải bỏ trống chuồng. Anh Phan Văn Giang, xã Yên Tâm (Yên Định) đã có nhiều năm phát triển kinh tế gia đình bằng việc chăn nuôi gia cầm, cho biết: Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình tôi, giá thức ăn liên tục cao trong khi giá bán gia cầm giảm, để bảo đảm hiệu quả kinh tế, tôi chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp cho lứa gà nhỏ, sau 28 ngày tuổi trở đi, phải chuyển sang các loại thức ăn phối trộn từ bột ngô, cám gạo...; đồng thời, nuôi theo phương thức bán chăn thả, gà sẽ tự kiếm thêm nguồn thức ăn từ tự nhiên, để giảm chi phí trong quá trình nuôi.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước đang diễn biến phức tạp, dự báo trong thời gian tới có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi; tổng đàn lợn, đàn gia cầm sẽ có xu hướng giảm khoảng từ 5 - 7%. Vì vậy những tháng cuối năm 2021, để tháo gỡ khó khăn cũng như tạo đà cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, khẩn trương rà soát lại số lượng đàn vật nuôi, các cơ sở sản xuất giống, chăn nuôi trên địa bàn; đánh giá tình hình chăn nuôi để có kế hoạch tăng đàn, tái đàn để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng. Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu, rơm, cỏ xanh, bã sắn, cám gạo, vỏ tôm... để thay thế một phần cho thức ăn công nghiệp; việc này giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi xuống khoảng từ 10 đến 15%. Tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chú trọng thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; không để bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm, viêm da nổi cục ở trâu, bò tái bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh, hoặc có phát sinh cũng phải phát hiện sớm, dập tắt ngay trong diện hẹp. Triển khai các phương án tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2021, hoàn thành chậm nhất vào ngày 30-10-2021. Thực hiện tốt phương án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng công nghệ cao; trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm chăn nuôi chủ lực và sản phẩm lợi thế là nhóm con nuôi đặc sản với nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu. Đi đôi với đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện, tỉnh thiết lập và duy trì các chuỗi liên kết, kênh phân phối sản phẩm, không để đứt gãy chuỗi, ứ đọng sản phẩm chăn nuôi.