Tin tức

Triển khai phương án trồng trọt năm 2022

Năm 2022 Ngành Nông nghiệp Thanh Hóa xây dựng kế hoạch tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 394.000 ha (giảm 7.218,8 ha so với năm 2021).

 

Trong đó, vụ đông 45.000 ha, vụ đông xuân 195.250 ha, vụ thu mùa 153.750 ha. Sản lượng lương thực trên 1,5 triệu tấn. Giá trị sản xuất trồng trọt trên 115 triệu đồng/ha đất canh tác. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ yếu: Lúa 227.340 ha, sản lượng 1.333.41 tấn; ngô 43.000 ha, sản lượng trên 205.200 tấn; lạc 8.690 ha, sản lượng 21.340 tấn; mía 19.000 ha, sản lượng 1.273.000 tấn; sắn 13.500 ha, sản lượng 205.000 tấn; rau đậu các loại 52.000 ha; diện tích trồng mới cây gai 1.000 ha.

Nông dân gieo trồng cây vụ đông 2021-2022.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phương án đề ra cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị mình, xây dựng phương án sản xuất của địa phương với các giải pháp cụ thể, linh hoạt; lựa chọn hình thức tổ chức triển khai phù hợp đến các xã, phường, thị trấn, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; doanh nghiệp và Nhân dân để thực hiện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của phương án sản xuất ngành trồng trọt năm 2022. Trước mắt tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông 2021-2022.

Xây dựng và triển khai thực hiện tốt phương án sản xuất trồng trọt đến từng địa phương; xác định phương án sản xuất trồng trọt của tỉnh là cơ sở để giao chỉ tiêu cụ thể từng loại cây trồng về diện tích, sản lượng, giá trị; đề ra các giải pháp phù hợp đến từng địa phương, xác định các mục tiêu sản xuất với tinh thần hoàn thành trên mức kế hoạch tỉnh giao đồng thời có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống bất thuận trong sản xuất như thiên tai, dịch bệnh (nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp), thị trường nông sản, ...

Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển cây trồng có lợi thế, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, mía, sắn. Gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với việc tích tụ tập trung đất đai theo Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII), theo đó dần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển trồng trọt hiện nay.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất trồng trọt cụ thể đó là: Tăng cường phổ biến, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các quy định về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm trên địa bàn; Có phương án quản lý, điều hành tưới tiêu hợp lý đảm bảo tưới tiêu kịp thời, hợp lý; triển khai thực hiện tốt công tác thủy lợi mùa khô.